Wednesday, December 7, 2011

Hành Khúc Thổ Nhĩ Kỳ

Quỳnh muốn ngày chia tay Bách Khoa phải có gì đó đặc biệt một chút.  Nàng viết cho ông anh họ, trình bày đề nghị của mình.  Ông anh họ ủng hộ hết mình, và hứa sẽ chuẩn bị cho nàng một chương trình đặc biệt.  Hai anh em hẹn nhau gần tết gặp lại.

Mỗi dịp tết đến, Bách Khoa có chương trình văn nghệ Xuân cây nhà lá vườn khá rôm rả.  Học kỳ hai chỉ mới bắt đầu, chưa thi cử gì nhiều.  Văn nghệ xong là dông thẳng về nhà nghỉ tết, nên không khí chơi giỡn rất ư là xung độ.  Quỳnh ghi tên tham dự với mục song tấu tây ban cầm.  Tên của ông anh họ là một bảo đảm nặng ký.  Mấy anh trong ban văn nghệ mừng rỡ hỏi: 'Ảnh vô chơi hả?  Phải là sô độc đó nhe.'  'Dạ.  Ảnh vô công chuyện, tiện dịp luyện thêm cho em gái luôn.' Quỳnh đáp.

Gần tết, ông anh họ vô Sài Gòn, vác theo cây đờn chiến của mình.  Bận rộn lo công chuyện, nên hai anh em chỉ có được một ngày rưỡi để tập luyện.  Ông anh họ giao cây đờn của mình cho Quỳnh, dùng cây đờn cũ cho Quỳnh hồi trước.  Nhìn hai anh em dợt say xưa, má Quỳnh thắc mắc không biết hai đứa làm sao mà gần tới ngày đi rồi mà vẫn còn mê chơi giỡn như vậy.  Tuy nhiên, vốn gần gũi nhiều với đám trẻ, nên bà hiểu tuổi trẻ có thế giới riêng của nó, và tuổi trẻ cần phải được sống cho những giây phút riêng của mình.

Chương trình văn nghệ được tổ chức trong giảng đường A4 rộng lớn như rạp hát, kéo dài từ hai giờ trưa cho đến tối.  Sô của Quỳnh được sắp xếp ngay giữa chương trình.  Ban tổ chức chỉ ghi vỏn vẹn Song tấu Tây ban cầm trong bản chương trình viết nắn nót trên tấm bảng lớn đặt ở cổng ra vào chính của hội trường.

Ông anh họ ở trong hậu trường coi việc sắp xếp cho phần trình diễn.  Quỳnh ngồi dưới ghế khán giả với bạn bè đợi đến lúc gần tới mục của mình mới vô hậu trường.  Ông anh họ đón Quỳnh bằng một nụ cười khiến Quỳnh an lòng.  Hai anh em ngồi đợi tới phiên của mình.

Ban tổ chức mang ra hai chiếc ghế đặt giữa sân khấu bài trí đơn giản, và bố trí micro theo đúng cách ông anh họ chỉ dẩn trước.  Hai anh em xách đờn ra chào khán giả.  Dưới hội trường ồn lên khi nhận ra Quỳnh.  Đèn tắt, chỉ giữ lại một ngọn chiếu xiên xiên xuống chỗ hai chiếc ghế.

Quỳnh lead, ông anh họ đi bè.  Khi giai điệu thôi thúc của bản Hành Khúc Thổ Nhĩ Kỳ cất lên, những tiếng xôn xao trong hội trường tắt hẳn.  Hai bên ăn nhịp hết mức khiến Quỳnh yên tâm.  Nỗi hồi hộp tan đi.  Mạch âm Mozart kỳ diệu và biến ảo tài tình.  Nàng nhắm mắt lại, những ngón tay lướt nhanh trên phím.  Tiết tấu hối hả thúc giục lòng người.  Về đâu?  Với nàng đó đơn thuần chỉ là đi về phía trước trong cuộc du hành qua không-thời gian này.  Trước mắt nàng hiện ra một chân trời lóa nắng.  Còn bạn?  Có bao giờ bị thôi thúc bởi những ý định nào không?

Những nốt nhạc cuối dằn mạnh kéo Quỳnh trở về với thực tại.  Cả hội trường bùng lên tiếng vỗ tay.  Hai anh em đứng dậy nghiêng người đáp lại khán giả.  Chưa hết.  Ban tổ chức ra lấy vô một chiếc ghế, lấy luôn cây đờn trong tay ông anh họ.   Quỳnh ngồi lại xuống ghế.  Ông anh họ vòng ra đứng phía sau.  Hai anh em chơi lại bản song tấu trên cùng cây đàn Quỳnh ôm trên tay.  Cả hội trường ồ lên.  Hơi trật nhịp, nhưng chẳng sao, và cũng chẳng ai để ý.

Bảy phút trình diễn trôi qua nhanh chóng.  Những tràng pháo tay kéo dài.  Nàng không xuống lại chỗ bạn bè, mà bước ra ngoài theo lối cửa hậu, đi men theo dãy hành lang mênh mông bao có hàng cột lừng lững để trơ mặt bê tông thô ráp bao bọc khu giảng đường, rồi bước xuống khoảnh sân các tàng lá đại thụ che kín, hướng về dãy hành lang ngập nắng chiều nối giữa B4 và B6.

Nàng ngồi dựa vô một góc cột hành lang.  Nắng vàng rực làm ánh lên lớp rêu xanh phủ kín những thân cây to lớn sau mỗi mùa mưa.  Những chiếc lá cỡ móng tay rơi nhè nhẹ.  Đã tới mùa lá rụng ở Sài Gòn.

Ông anh họ tìm ra nàng ở đó, nói nhẹ nhàng: 'Thôi mình biến.'

Tuesday, December 6, 2011

Điều ước

Quỳnh ngồi bó gối, nhìn ngọn lửa như bị thôi miên.  Đôi mắt nàng ươn ướt.  Tôi kéo tấm áo choàng nhìn như cái mền của người da đỏ trùm lên người nàng.  'Ước gì có cây đờn ghi ta ở đây!' bất giác Quỳnh thốt lên.

Căn chòi trống trơn, chỉ có cái gìường và bộ đồ nấu ăn trên bếp.  Ngọn lửa từ cái lò sưởi nhỏ vẫn tiếp tục nhảy múa.  Hồi sáng lúc lựa mua chiếc áo choàng bên phố núi, tôi có thấy có bán những cây đờn ghi ta trong các tiệm bán đồ lưu niệm.  Có lẽ chỉ là đồ mã.  Những cây đờn bày bán cạnh yên ngựa, giày cao cổ, quần jean, áo ca rô, nón rộng vành gợi lại cái quá khứ của những chàng cao bồi súng bên hông, đàn trên tay, bóng lắc lư vươn dài trong ánh lửa trại bập bùng.

Bóng hai đứa in trên tường quyện thành một khối đen thui, bất động.  Bên ngoài cửa sổ tối đen.  Chỉ nghe tiếng suối.

Ru em con suối vào thu.

Monday, December 5, 2011

Toan Tính

Ông anh họ của Quỳnh ra trường năm 1988 với tấm bằng kỹ sư cơ khí, về lại Nha Trang nhận một công việc bảo trì máy móc trong một công ty cấp tỉnh.  Phe Khánh Hòa và phe Phú Yên đang đấu đá kịch liệt để tách ra lại thành hai tỉnh như cũ, nên mọi công việc đều ngưng trệ.  Ở công ty kỹ sư thì nhiều mà việc thì ít, lương ba cọc ba đồng, công việc lại chẳng có gì để làm, ngày ngày la cà ngoài quán cà phê cà pháo cho qua ngày.  Vốn là người đầy nghệ sĩ tính, rất nhạy cảm, nên sau mấy tháng ngồi chơi sơi nước, anh chịu hết nỗi bèn ngỏ ý với gia đình ý định vượt biên để tìm một đời sống có ý nghĩa hơn.

Lúc đó những ai có ý định vượt biên đều hối hả chuẩn bị.  Lý do là sau trung tuần tháng Ba 1989, bất cứ thuyền nhân nào cập vô bờ các quốc gia láng giềng sẽ không được công nhận là người tị nạn nữa.  Thế giới đã mỏi mệt trong việc tiếp nhận làn sóng tị nạn từ Việt Nam.  Lòng nhân cũng có giới hạn của nó khi phải đối mặt với những gánh nặng tài chính và phương tiện khổng lồ.

Cả dòng họ họp lại để bàn tính. Lúc này gia đình Quỳnh đã nộp đơn xin xuất cảnh theo diện bảo lãnh.  Nhưng với tốc độ duyệt đơn này, thì đến khi gia đình được phỏng vấn thì Quỳnh chắc chắn sẽ bị loại vì trên 21 tuổi.  Ông anh họ hỏi ba má Quỳnh có muốn cho Quỳnh đi theo không.  Thời gian đó mọi người gần như mất hết hy vọng vô hiện tại, ai cũng muốn vượt thoát ra khỏi tình trạng sống vô vọng nên dễ tin theo và chụp lấy những hy vọng mong manh.  Ba má  Quỳnh quyết định thiệt nhanh chóng.  Ông bà đồng ý cho Quỳnh đi chung với ông anh họ nếu Quỳnh chịu đi.  Cả gia đình sẽ đoàn tụ lại bên đó, nhanh hơn nhiều so với theo đúng trình tự thủ tục bảo lãnh đầy nhiêu khê.  Khi được hỏi ý kiến, Quỳnh đồng ý nhanh chóng trong sự ngạc nhiên của mọi người.  Không ai ngờ Quỳnh cũng tỏ ra cứng cỏi như vậy.  Quỳnh lại không thấy có gì phải ngạc nhiên hết.  Đó đơn giản chỉ là sự lựa chọn.  Thực ra trong thâm tâm Quỳnh cũng cảm thấy rất chán chường, và viễn cảnh sẽ xa cách gia đình một thời gian dài cũng khiến nàng sợ hãi.  Quyết định đi tự thân nó đã là một hy vọng về một chân trời mới, về một cõi an vui hơn.  Còn sau đó ra sao, nàng không thể nào hình dung ra.  Và không muốn nghĩ tới lúc này.

Nhóm vượt biên gồm ba người: ông anh họ, Quỳnh, và một người em họ.  Ông anh họ lo mọi phần chuẩn bị.  Ngày đi được quyết định là sau Tết.  Phải đợi cho mùa bão qua.  Còn lúc này thì vẫn phải đi học đi làm như bình thường để tránh gây nghi ngờ.

Tình Hình Chung

Tình hình chung là tình trạng cả xã hội vật vã đối phó với chính sách kinh tế Giá-Lương-Tiền nhà nước đưa ra năm 1985.  Thực ra, chính sách này đã bắt đầu từ những năm đầu 80 trong hệ thống nhà nước sau khi khối Xã hội Chủ nghĩa nhận thấy không chịu đựng nỗi gánh nặng Việt Nam với nền kinh tế yếu kém và những cuộc chiến tranh liên miên, không viện trợ hàng hóa giá thấp hoặc cho không nữa, mà tính theo giá cả thị trường.  Dù cho có cố phá rừng phá biển hết mức và vét sạch ruộng đồng, dưới áp lực thu không đủ bù chi nền kinh tế cả nước, vốn bị ép theo mô hình miền Bắc trước ngày thống nhất,  càng lúc càng èo uột, và gần như thoi thóp.  Trong nền kinh tế xuất hiện ba loại giá: giá nhà nước ấn định; giá điều chỉnh; và giá thả nổi của thị trường.  Ba giá này xa nhau một trời một vực, không biết đâu mà lần, nói chi quản lý.  Lương lãnh ra coi như giỡn.  Hàng hóa thiết yếu thiếu trầm trọng.  Ăn độn, ăn đại, nói chung ăn bất cứ thứ gì chỉ để sống.  Đại lễ kỷ niệm mười năm thâu tóm giang sơn về một cõi đánh dấu một thời điểm hết sức thê thảm trong đời sống của toàn thể dân chúng.  Cuối 1985, đảng và nhà nước Cộng Sản thực hiện cuộc cải cách giá lương tiền trên quy mô toàn xã hội nhằm thực hiện cơ chế một giá, cân đối thu chi, giúp quốc doanh tự chủ tài chính, và người ăn lương nhà nước sống được.  Dân đen không hề là ưu tiên của chính sách này, nhưng lãnh đủ hết mọi hậu quả của nó.

Giá-Lương-Tiền bắt đầu bằng một cuộc đổi tiền làm chấn động xã hội.  Mỗi gia đình chỉ được phép đổi 1200 đồng tiền mới, tức 12000 ngàn đồng tiền cũ.  Sau một đêm, nhiều người thấy vốn liếng làm ăn của mình mất sạch.  Thay vì giải phóng sức sản xuất để bù đắp lượng hàng hóa thiếu hụt so với nhu cầu, khiến giá cả cân bằng, nhà nước lại đi hạn chế tiền tệ để chống lạm phát.  Tiền bạc khan hiếm trầm trọng. Chỉ có tiền chẵn, không có tiền lẽ.  Hàng hóa thiếu thốn kinh khủng, nên giá cả lại tăng cao.  Mỗi nơi mỗi giá khác nhau.  Lại tăng lương thêm.  Lại in thêm tiền.  Cả xã hội bị cuốn vô vòng xoáy đó.  Lạm phát vọt lên mức phi mã ba trăm bốn trăm phần trăm  ngay lập tức.  Dân chúng không tin ở tiền nhà nước in.  Vàng thống lĩnh mọi giao dịch và tình trạng hàng đổi hàng thực sự xảy ra.  Làm ăn không xong, buôn bán cũng chẳng đặng vì tình trạng ngăn sông cấm chợ nghiệt ngã.  Bốn trăm quận huyện biến thành bốn trăm pháo đài giữ chặt mọi loại hàng hóa trong phạm vi của mình để tự... cứu.  Các trạm kiểm soát hàng hóa mọc lên chi chit, chốt kín các con lộ ra vô Sài Gòn và các tỉnh.  Đời sống hoàn toàn bế tắc.

Những người trước đây ngần ngại xuất cảnh theo chương trình ra đi trong trật tự nay không còn lý do gì để trì hoãn nữa.  Giá lương tiền cùng với các chiến dịch mùa khô liên tiếp ở Kampuchea cũng khiến làn sóng vượt biên lên đỉnh điểm.  Các nước lân cận và Liên Hợp Quốc la trời.

Đảng Cộng Sản chợt nhận ra tình hình thực sự trầm trọng, phải tự cứu mình trước khi trời cứu.  Nền kinh tế kiệt quệ.  Con người cũng kiệt quệ.    Đất nước trên bờ vực sụp đổ.  Tình trạng vô chính phủ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.  Đại hội VI năm 1986 tìm được sự đồng thuận rộng lớn hơn để cải cách triệt để hơn theo hướng thị trường.  Nhưng phải đến bốn năm sau, sau nhiều biện pháp thử sai trên đầu trên cổ dân chúng, tình hình kinh tế mới dần dần ổn định trở lại.  Đến năm 1990, lạm phát hạ xuống mức hai con số.

Trong bối cảnh của những năm từ 1985 đến 1990 đó, đi học thực sự là một gánh nặng cho gia đình, bất kể là dân đen, công chức hay cán bộ cỡ nhỏ.  Chỉ có những người có đồ Mỹ và đô la, những kẻ được cung phụng là thấy sướng.  Cùng với tâm trạng chán chường, tâm trạng bực bội cứ lan dần vào mọi ngóc nghách của hệ thần kình, cứ chờ dịp là bùng nổ.  Bọn sinh viên chửi thề như giặc, chửi vì bất kỳ lý do gì.  Đứa hiền nhứt cũng bật miệng chửi: 'Mẹ kiếp!'

Friday, December 2, 2011

Xử Đẹp

Một đêm mưa cuối mùa, đám sinh viên ở ký túc xá Bách Khoa trên đường Lý Thường Kiệt bắt được đứa trộm xe đạp.  Nạn trộm xe đạp là một vấn đề lưu cữu và là một vấn nạn lớn cho sinh viên, vốn chỉ có chiếc xe đạp gần như là tài sản đáng giá duy nhất.  Sinh viên ở các tỉnh lên thì ở Ký Túc Xá, còn sinh viên Sài Gòn thì vẫn ở với gia đình, nhưng hộ khẩu thì bị cắt khỏi gia đình đưa vô trường.  Cả đám ký túc xá rình hoài đến giờ mới bắt được đứa này.  Đây không phải là đứa đầu tiên bị bắt.  Nhưng bắt giao công an rồi thì lại được thả ra.  Nên đám ăn trộm quen thói vô trộm tiếp.

Bữa nay thằng ăn trộm này tới số.  Thằng ăn trộm bị trói vô một gôc cột, và bị cả đám thi nhau đấm đá.  Những đứa khác đi ngang qua cũng thụi cho một thụi.  Đám trên lầu nghe chuyện chạy xuống cũng đá cho một đá.  Tên trộm bị hành hạ suốt đêm, ngất lên xỉu xuống mấy lần.  Đám bảo vệ sợ tên trộm bị chết, đến xin nhận tên trộm để giao cho công an, nhưng đám sinh viên không chịu, dồn đám bảo vệ về lại trong trạm gác, nói chuyện này để sinh viên xử.  Đến sáng hôm sau, đám sinh viên mới biết chuyện nhào vô xử tên trộm tiếp.  Tên trộm đã gần như gục hẳn.  Đám sinh viên tạt nước cho tỉnh lại, rồi hành hạ tiếp.

Đám bảo vệ ký túc xá gọi điện báo cho công an phường.  Một nhóm công an đến điều đình với sinh viên nhận lại tên trộm, nhưng sinh viên đòi phải trưởng công an phường xuống nói chuyện.  Tên trộm được đưa lên lầu, nhốt trên đó, và xử tiếp.  Đám công an không làm được gì, giở giọng hăm dọa.  Lập tức đám sinh viên bao quanh mấy tên công an.  Đứa này xô qua, đứa kia xô lại.  Mấy tên công an hết bị đẩy tạt qua bên này, lại bị đẩy dạt qua bên kia trong vòng vây trùng trùng của sinh viên.  Phải vất vả hết sức, đám công an mới thoát được ra khỏi cổng, tức tối ghê lắm.

Đám anh chị xung quanh đó kéo tới bao quanh cổng la hét, hăm dọa đòi thả tên trộm.  Sinh viên đóng cổng ký túc xá lại.  Nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Công an vừa sợ có chuyện lớn vừa tức tối, kéo đến thiệt đông, kéo cả dân phòng và phường đội, bắt loa kêu gọi sinh viên giao nộp tên trộm.  Đám anh chị tản đi.  Sinh viên nhứt định không mở cổng.  Cuối cùng công an hăm dọa nếu sinh viên không mở cổng và giao nộp tên trộm thì sẽ sử dụng tới vũ lực.

Nhưng sinh viên đã rút hết lên lầu, và chuẩn bị sẳn.  Khi công an, phường đội, và dân phòng vừa đột nhập vô cổng thì lập tức sinh viên thả lò gạch nấu cơm từ trên lầu xuống ầm ầm như dội bom.  Miểng gạch, tro bụi bắn tung tóe.  Đám công an - phường đội - dân phòng sợ tét gáo, chạy té khói ra ngoài.  Lò gạch được chuyển từ các dãy lầu khác tới dãy lầu sát cổng để đối phó tiếp với các đợt đột nhập lần hai, lần ba.  Lần nào công an - phường đội - dân phòng cũng được tiếp đón tưng bừng.

Đến chiều thì lò gạch chẳng còn để dội bom nữa.  Một đợt tấn công mới được mở ra.  Công an tưởng chừng chắc ăn là sinh viên đã hết bài rồi.  Không ngờ, vừa bước vô khỏi cổng, lập tức bàn ghế từ trên lầu bay xuống, lại một màn chạy bắn khói.  Bà con ở mấy khu chung cư đối diện kéo ra đứng đầy hành lang coi, khoái chí.

Trước khi trời tối, công an nôn nóng mở một cuộc tấn công nữa, lập tức sinh viên gở cửa sổ lao xuống.  Có đứa còn hứng chí, gở cửa sổ ra, chẻ ba chẻ tư xong đốt rồi mới lao xuống.  Con ngõ từ cổng vô tới sân ký túc xá nhìn như một bãi chiến trường, lửa khói mù mịt.

Tới khuya, đại điện của trường tới điều đình.  Sinh viên cũng đã thấm mệt, giao tên trộm cho đại diện trường.  Trường ra nói chuyện với công an, nói thôi xí xóa cho mấy em, cũng là con cháu đàng mình hết, chẳng qua do tình hình chung cả thôi, để trường tự giải quyết lấy.  Hơn sáu mươi phần trăm sinh viên từ các tỉnh lên Sài Gòn học thuộc diện ưu tiên trong bảng phân loại lý lịch.  Công an rút về.

Sinh viên ở ký túc xá đi học lại.  Chuyện ở ký túc xá lan nhanh khắp trường.  Đám ở ngoài nễ quá, khen bọn ký túc xá: 'Đẹp thiệt! Mấy cu xử đẹp thiệt!'  Đám anh chị ở xung quanh ký túc xá thì nễ sinh viên ra mặt, không hề dám đụng độ.  Từ đó ký túc xá được yên.  Nhưng cũng từ đó, một mạng lưới ăng ten cũng được phát triển khắp trường.

Sunday, November 20, 2011

Tình

Một trong những đêm mưa tháng Mười đó, Hải đến làm quen với Quỳnh.  Quỳnh đang đứng ngắm mưa rơi và nhớ tới Thái, một người bạn thân thiết thời trung học.  Hai chị em Thái vừa được tàu Tây Đức vớt ngoài khơi biển Đông, đưa về Singapore, và đang đợi ngày sang Tây Đức nhập cư.  Thái thi đại học rớt và bị bắt đi nghĩa vụ quân sự.  Khi nhận thấy con mình sắp bị đưa sang Kampuchia, cha mẹ Thái quyết định cho con vượt biên.  Cuôc chiến sắp hạ màn bên đó, và Việt Nam đang ráo riết thực hiện những chiến dịch tảo thanh quyết liệt cuối cùng nhằm tạo lợi thế cho chính quyền Hunsen.  Thương vong lại rộ lên.  Xác lính chở về Tây Ninh chôn không kịp.  Trước khi đi, trong lúc gấp gáp, Thái có ghé ngang trường thăm Quỳnh trong bộ đồ bộ đội.  Thấy Quỳnh ngồi nói chuyện trong quán nước với một tay bộ đội, không ít con mắt đã nhìn Quỳnh ngỡ ngàng.  Trời mưa bão khiến Quỳnh liên tưởng đến các chiếc ghe nhỏ mất hút sau đường chân trời ở biển Đông, đến những cuộc đánh đố với biển khơi để giành lấy cái quyền được tự định đoạt số phận.  Tiếng Hải chào bên tai kéo Quỳnh trở lại với thực tại.  Hải có dáng dấp thư sinh, ăn nói nhẹ nhàng, nhìn hiền lành, dễ mến.  Quỳnh nhã nhặn đáp lại những câu nói ngộ nghĩnh về mưa, về thời tiết, và cả những câu tán bâng quơ.  Hải vô trường cùng năm, nhưng học bên cơ khí.

Từ đó, Hải tìm cách gặp Quỳnh hoài, thỉnh thoảng viết tặng Quỳnh những vần thơ nhẹ nhàng, và rất ư là lãng mạng.  Đầu tiên Quỳnh thấy mắc cười, nhưng riết rồi Quỳnh nhận ra Hải đã thành một phần đời sống của mình.  Nàng thấy thích những trò săn đón tế nhị, những ngón chăm sóc kín đáo, và sự tôn thờ không dấu diếm của Hải.  Hai người càng lúc càng trở nên thân thiết, và đến một hôm nàng dẫn Hải về giới thiệu với gia đình.

Cha Quỳnh tá hỏa khi biết Hải là con cán bộ.  Hải nhìn không khác những đứa con trai khác ở đất Sài Gòn này, nhưng ông không chấp nhận nỗi chuyện con mình quen với con cán bộ.  Ông là một kỹ sư nông lâm súc và suốt cuộc đời chỉ là một nhân viên dân sự.  Ông xa lánh chuyện chính trị, nhưng các chính sách tàn khốc và phương cách làm việc tồi dỡ của chính quyền Cộng Sản sau khi chiếm được miền Nam khiến ông có ác cảm thậm tệ với chế độ này.  Ông nói với Quỳnh nhẹ nhàng nhưng cương quyết: "Ba không nghĩ một này nào đó mình sẽ làm sui gia với họ."  Quỳnh cho rằng cha mình nghĩ xa xôi quá, nhưng mẹ Quỳnh nói biết đâu được.  Bà khuyên Quỳnh nên suy nghĩ kỹ, quyết định cho gọn, và đừng nên để bạn hy vọng nhiều quá.  Tình cảm chưa sâu đậm nên còn dễ, chớ để sau này sâu đậm quá sẽ khổ cho cả hai.  Nhất là cho Hải vì Hải thực sự yêu Quỳnh.

Quỳnh không bao giờ để Hải đến nhà nữa, và không để mối quan hệ đi xa hơn.  Hải buồn, nhưng có vẻ hiểu.  Nhiều năm về sau, khi đã có gia đình, Hải vẫn còn lưu luyến Quỳnh lắm, vẫn viết cho Quỳnh những vần thơ tình nhẹ nhàng mỗi khi có dịp.

Gia đình cu Danh cũng giống như gia đình Hải, nhưng gia đình cu Danh là cán bộ Bắc gia đình Hải là cán bộ Nam.  Cu Danh theo gia đình vào Nam năm bảy tuổi, lớn lên nói giọng Nam.  Mùa hè trước khi nhập học Bách Khoa, cu Danh về Hà Nội thăm lại bà con ngoài đó sau mười một năm.  Mấy bà chị họ phán: "Thằng này mất gốc!"  Cu Danh kể lại, cười khà khà: "Mấy bả nói mình mất gốc, nhưng mà mình vẫn nói tiếng Việt mà."  Nhìn cu Danh, nghe cu Danh không ai nghĩ thằng này gia đình cán bộ hết.  Cu Danh cũng quen một em gái gia đình "ngụy" và được chấp nhận.  Sau này cu Danh không làm cho nhà nước, lập một đội thợ, chạy thầu làm ăn riêng.  Kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa sản sinh ra một tầng lớp giàu xổi, khoe khoang và chơi nổi.  Cu Danh chuyên đánh biệt thự "độc" cho lớp người này, kiếm dư tiền nuôi vợ con và sống cuộc đời tự do, thoải mái.

Thời gian đó, cu Hợp cũng theo tán Đào.  Đi học về cu Hợp canh me đạp xe bên cạnh Đào nói chuyện huyên thuyên.  Một buổi chiều Đào mời cu Hợp vô nhà uống nước.  Trong lúc hai người đang trò chuyện thì mẹ Đào về.  Đào hỏi: "Hôm nay mẹ về trễ vậy?  Con đã bắc nồi cơm rồi."  "Ờ, bữa nay mẹ họp chi bộ." - mẹ Đào trả lời.  Cu Hợp nghe mà ngỡ ngàng, nói chuyện thêm một chút nữa rồi chào về.  Một đi không trở lại.

Nhiều năm về sau, trong một buổi họp mặt bạn bè, nhớ lại chuyện cũ cu Hợp thốt lên: "Tại sao lúc đó mình làm vậy ta?  Tại sao nghe nói tới chữ chi bộ là thấy dội liền?", rồi cười hà hà: "Lại một chuyện tình nữa chưa kịp bắt đầu."  Tôi chọc: "Mẹ em Đảng nhưng em có Đảng đâu, và mày phải làm sao cho cả đời em không thèm theo Đảng."  "Nhưng lúc đó mình đâu có nghĩ vậy."

Friday, November 11, 2011

Mưa Tháng Mười

Sài Gòn tháng Mười trời mưa như trút.  Nhiều khi mưa kéo dài cả hai ba ngày.  Những cơn bão quần đảo mgoài khơi biển Đông quét những đám mây nặng trình trịch ngang trời.  Ngồi trong lớp ngó ra, ban ngày mà trời tối om.  Bụi mưa theo gió luồn qua khung cửa lưới khiến thân thể lạnh tê tê.  Trời đất người đều sũng nước.  Nhịp sống dường như chậm hẳn lại.

Sài Gòn chìm trong biển nước.  Mỗi năm nước lại mỗi cao thêm.   Bách Khoa nằm trên đất cao nhưng cũng không tránh khỏi lụt.  Mặt bằng trường nghiêng thoai thoải từ Lý Thường Kiệt về Tô Hiến Thành.  Những năm đầu bãi giữ xe trước B10 chưa bị ngập, nhưng từ năm thứ ba trở đi thì cũng bị ngập xâm xấp mắt cá.  Xuôi Tô Hiến Thành xuống một chút đến gần góc Nguyễn Tri Phương thì nước ngập lên tới cả bánh xe.  Rác từ bô rác gần đó theo nước lụt kéo ra trôi lềnh bềnh.  Xuôi theo hướng Lý Thường Kiệt xuống đến Trần Quốc Toản thì cũng ngập lênh láng dưới đó.  Đám ở Ký Túc Xá lội nước mà về.  Còn đám ở ngoài, trừ đám nhà ở Tân Bình có thể đội mưa đạp xe về được, kẹt cứng trong trường.

Những ngày đó, tụi tôi thường tụ lại ở các hành lang của hai dãy B8, B10 đợi mưa nhẹ lại và nước rút bớt đi.  Nhiều khi đến tận chín mười giờ tối mà vẫn chưa về được.  Trường thì tối.  Sinh viên đứng chen chúc nhau.   Bầu không khí trầm trầm khiến cho mọi người trở nên tư lự.  Chuyện trò trở nên nghiêm chỉnh hẳn ra.

Cu Hợp nhắc: "Hôm bữa con Mai dẫn mấy đứa anh em họ của nó bên Pháp về vô trường coi cho biết.  Mấy đứa đó nhìn chỉ bảnh hơn thôi, chớ có gì hơn mình đâu."  "Chỉ hơn ở chổ sống ở xứ tự do." - tôi đáp lại.  "Tự do để làm cái gì?"  "Để nói mà hổng sợ."  Cu Khánh chêm vô: "Bọn ở phương Tây tự do quá nên sống đồi trụy."  Đại Úy nói liền: "Tao khoái đồi trụy như tụi nó dị đó.  Có gì thì đàng hoàng dẫn em vô phòng, chớ không có đè xuống giữa đồng."  "Ha ha! Biết làm gì với tự do mới là điều quan trọng," - không nhớ đứa nào nói.

Lanh, từ Đại học Xây Dựng Hà Nội chuyển theo ông già vô, góp chuyện: "Có thực tụi nó ngon như mình nghĩ không?  Hồi tao ở ngoài Bắc cứ nghĩ bọn sinh viên Sài Gòn thanh lịch, lãng mạng ghê lắm.  Vô thấy tụi mày là mở mắt liền."  Cu Hợp cười ha ha: "Tao đây mà còn chịu không nổi nữa. huống chi là mày.  Cái thời lãng mạng đó qua từ khuya rồi.  Từ khi bọn tao còn chưa kịp đi học lận."  "Mắc chứng gì mà mày nghĩ tụi tao phải lãng mạng?" - cu Mạnh hỏi.  "Thì đọc sách nghe nhạc rồi nghĩ vậy." - Lanh đáp.  "Đánh nhau chí tử năm này sang tháng nọ như cha chú mình hồi đó thì hoặc là phải sắt máu hoặc là phải lãng mạng.  Nếu không thì làm sao mà chịu cho nỗi." - tôi trầm ngâm.  "Cũng như tụi mình bây giờ, nếu không lôm côm một chút thì không làm sao thấy thoải mái được/" - cu Danh cười.   "Cái lãng mạng mày vừa nhắc tới đó gắn liền với cái giai đoạn từ quê ra tỉnh ở trong này.  Còn thanh lịch tao nghì chỉ là ảo tưởng." - tôi tiếp.  "Thôi bây giờ em xin nhường cái lãng mạng cho nhà bác đấy." - cu Mạnh sửa giọng.  "Chào mừng quý khách lãng mạng đến với thời của những thằng lôm côm!" - cu Hợp tấu hài.

Cũng trong những ngày tháng Mười mưa dầm dề đó, Quỳnh quen với Hải.