Sunday, November 20, 2011

Tình

Một trong những đêm mưa tháng Mười đó, Hải đến làm quen với Quỳnh.  Quỳnh đang đứng ngắm mưa rơi và nhớ tới Thái, một người bạn thân thiết thời trung học.  Hai chị em Thái vừa được tàu Tây Đức vớt ngoài khơi biển Đông, đưa về Singapore, và đang đợi ngày sang Tây Đức nhập cư.  Thái thi đại học rớt và bị bắt đi nghĩa vụ quân sự.  Khi nhận thấy con mình sắp bị đưa sang Kampuchia, cha mẹ Thái quyết định cho con vượt biên.  Cuôc chiến sắp hạ màn bên đó, và Việt Nam đang ráo riết thực hiện những chiến dịch tảo thanh quyết liệt cuối cùng nhằm tạo lợi thế cho chính quyền Hunsen.  Thương vong lại rộ lên.  Xác lính chở về Tây Ninh chôn không kịp.  Trước khi đi, trong lúc gấp gáp, Thái có ghé ngang trường thăm Quỳnh trong bộ đồ bộ đội.  Thấy Quỳnh ngồi nói chuyện trong quán nước với một tay bộ đội, không ít con mắt đã nhìn Quỳnh ngỡ ngàng.  Trời mưa bão khiến Quỳnh liên tưởng đến các chiếc ghe nhỏ mất hút sau đường chân trời ở biển Đông, đến những cuộc đánh đố với biển khơi để giành lấy cái quyền được tự định đoạt số phận.  Tiếng Hải chào bên tai kéo Quỳnh trở lại với thực tại.  Hải có dáng dấp thư sinh, ăn nói nhẹ nhàng, nhìn hiền lành, dễ mến.  Quỳnh nhã nhặn đáp lại những câu nói ngộ nghĩnh về mưa, về thời tiết, và cả những câu tán bâng quơ.  Hải vô trường cùng năm, nhưng học bên cơ khí.

Từ đó, Hải tìm cách gặp Quỳnh hoài, thỉnh thoảng viết tặng Quỳnh những vần thơ nhẹ nhàng, và rất ư là lãng mạng.  Đầu tiên Quỳnh thấy mắc cười, nhưng riết rồi Quỳnh nhận ra Hải đã thành một phần đời sống của mình.  Nàng thấy thích những trò săn đón tế nhị, những ngón chăm sóc kín đáo, và sự tôn thờ không dấu diếm của Hải.  Hai người càng lúc càng trở nên thân thiết, và đến một hôm nàng dẫn Hải về giới thiệu với gia đình.

Cha Quỳnh tá hỏa khi biết Hải là con cán bộ.  Hải nhìn không khác những đứa con trai khác ở đất Sài Gòn này, nhưng ông không chấp nhận nỗi chuyện con mình quen với con cán bộ.  Ông là một kỹ sư nông lâm súc và suốt cuộc đời chỉ là một nhân viên dân sự.  Ông xa lánh chuyện chính trị, nhưng các chính sách tàn khốc và phương cách làm việc tồi dỡ của chính quyền Cộng Sản sau khi chiếm được miền Nam khiến ông có ác cảm thậm tệ với chế độ này.  Ông nói với Quỳnh nhẹ nhàng nhưng cương quyết: "Ba không nghĩ một này nào đó mình sẽ làm sui gia với họ."  Quỳnh cho rằng cha mình nghĩ xa xôi quá, nhưng mẹ Quỳnh nói biết đâu được.  Bà khuyên Quỳnh nên suy nghĩ kỹ, quyết định cho gọn, và đừng nên để bạn hy vọng nhiều quá.  Tình cảm chưa sâu đậm nên còn dễ, chớ để sau này sâu đậm quá sẽ khổ cho cả hai.  Nhất là cho Hải vì Hải thực sự yêu Quỳnh.

Quỳnh không bao giờ để Hải đến nhà nữa, và không để mối quan hệ đi xa hơn.  Hải buồn, nhưng có vẻ hiểu.  Nhiều năm về sau, khi đã có gia đình, Hải vẫn còn lưu luyến Quỳnh lắm, vẫn viết cho Quỳnh những vần thơ tình nhẹ nhàng mỗi khi có dịp.

Gia đình cu Danh cũng giống như gia đình Hải, nhưng gia đình cu Danh là cán bộ Bắc gia đình Hải là cán bộ Nam.  Cu Danh theo gia đình vào Nam năm bảy tuổi, lớn lên nói giọng Nam.  Mùa hè trước khi nhập học Bách Khoa, cu Danh về Hà Nội thăm lại bà con ngoài đó sau mười một năm.  Mấy bà chị họ phán: "Thằng này mất gốc!"  Cu Danh kể lại, cười khà khà: "Mấy bả nói mình mất gốc, nhưng mà mình vẫn nói tiếng Việt mà."  Nhìn cu Danh, nghe cu Danh không ai nghĩ thằng này gia đình cán bộ hết.  Cu Danh cũng quen một em gái gia đình "ngụy" và được chấp nhận.  Sau này cu Danh không làm cho nhà nước, lập một đội thợ, chạy thầu làm ăn riêng.  Kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa sản sinh ra một tầng lớp giàu xổi, khoe khoang và chơi nổi.  Cu Danh chuyên đánh biệt thự "độc" cho lớp người này, kiếm dư tiền nuôi vợ con và sống cuộc đời tự do, thoải mái.

Thời gian đó, cu Hợp cũng theo tán Đào.  Đi học về cu Hợp canh me đạp xe bên cạnh Đào nói chuyện huyên thuyên.  Một buổi chiều Đào mời cu Hợp vô nhà uống nước.  Trong lúc hai người đang trò chuyện thì mẹ Đào về.  Đào hỏi: "Hôm nay mẹ về trễ vậy?  Con đã bắc nồi cơm rồi."  "Ờ, bữa nay mẹ họp chi bộ." - mẹ Đào trả lời.  Cu Hợp nghe mà ngỡ ngàng, nói chuyện thêm một chút nữa rồi chào về.  Một đi không trở lại.

Nhiều năm về sau, trong một buổi họp mặt bạn bè, nhớ lại chuyện cũ cu Hợp thốt lên: "Tại sao lúc đó mình làm vậy ta?  Tại sao nghe nói tới chữ chi bộ là thấy dội liền?", rồi cười hà hà: "Lại một chuyện tình nữa chưa kịp bắt đầu."  Tôi chọc: "Mẹ em Đảng nhưng em có Đảng đâu, và mày phải làm sao cho cả đời em không thèm theo Đảng."  "Nhưng lúc đó mình đâu có nghĩ vậy."

No comments:

Post a Comment