Wednesday, December 7, 2011

Hành Khúc Thổ Nhĩ Kỳ

Quỳnh muốn ngày chia tay Bách Khoa phải có gì đó đặc biệt một chút.  Nàng viết cho ông anh họ, trình bày đề nghị của mình.  Ông anh họ ủng hộ hết mình, và hứa sẽ chuẩn bị cho nàng một chương trình đặc biệt.  Hai anh em hẹn nhau gần tết gặp lại.

Mỗi dịp tết đến, Bách Khoa có chương trình văn nghệ Xuân cây nhà lá vườn khá rôm rả.  Học kỳ hai chỉ mới bắt đầu, chưa thi cử gì nhiều.  Văn nghệ xong là dông thẳng về nhà nghỉ tết, nên không khí chơi giỡn rất ư là xung độ.  Quỳnh ghi tên tham dự với mục song tấu tây ban cầm.  Tên của ông anh họ là một bảo đảm nặng ký.  Mấy anh trong ban văn nghệ mừng rỡ hỏi: 'Ảnh vô chơi hả?  Phải là sô độc đó nhe.'  'Dạ.  Ảnh vô công chuyện, tiện dịp luyện thêm cho em gái luôn.' Quỳnh đáp.

Gần tết, ông anh họ vô Sài Gòn, vác theo cây đờn chiến của mình.  Bận rộn lo công chuyện, nên hai anh em chỉ có được một ngày rưỡi để tập luyện.  Ông anh họ giao cây đờn của mình cho Quỳnh, dùng cây đờn cũ cho Quỳnh hồi trước.  Nhìn hai anh em dợt say xưa, má Quỳnh thắc mắc không biết hai đứa làm sao mà gần tới ngày đi rồi mà vẫn còn mê chơi giỡn như vậy.  Tuy nhiên, vốn gần gũi nhiều với đám trẻ, nên bà hiểu tuổi trẻ có thế giới riêng của nó, và tuổi trẻ cần phải được sống cho những giây phút riêng của mình.

Chương trình văn nghệ được tổ chức trong giảng đường A4 rộng lớn như rạp hát, kéo dài từ hai giờ trưa cho đến tối.  Sô của Quỳnh được sắp xếp ngay giữa chương trình.  Ban tổ chức chỉ ghi vỏn vẹn Song tấu Tây ban cầm trong bản chương trình viết nắn nót trên tấm bảng lớn đặt ở cổng ra vào chính của hội trường.

Ông anh họ ở trong hậu trường coi việc sắp xếp cho phần trình diễn.  Quỳnh ngồi dưới ghế khán giả với bạn bè đợi đến lúc gần tới mục của mình mới vô hậu trường.  Ông anh họ đón Quỳnh bằng một nụ cười khiến Quỳnh an lòng.  Hai anh em ngồi đợi tới phiên của mình.

Ban tổ chức mang ra hai chiếc ghế đặt giữa sân khấu bài trí đơn giản, và bố trí micro theo đúng cách ông anh họ chỉ dẩn trước.  Hai anh em xách đờn ra chào khán giả.  Dưới hội trường ồn lên khi nhận ra Quỳnh.  Đèn tắt, chỉ giữ lại một ngọn chiếu xiên xiên xuống chỗ hai chiếc ghế.

Quỳnh lead, ông anh họ đi bè.  Khi giai điệu thôi thúc của bản Hành Khúc Thổ Nhĩ Kỳ cất lên, những tiếng xôn xao trong hội trường tắt hẳn.  Hai bên ăn nhịp hết mức khiến Quỳnh yên tâm.  Nỗi hồi hộp tan đi.  Mạch âm Mozart kỳ diệu và biến ảo tài tình.  Nàng nhắm mắt lại, những ngón tay lướt nhanh trên phím.  Tiết tấu hối hả thúc giục lòng người.  Về đâu?  Với nàng đó đơn thuần chỉ là đi về phía trước trong cuộc du hành qua không-thời gian này.  Trước mắt nàng hiện ra một chân trời lóa nắng.  Còn bạn?  Có bao giờ bị thôi thúc bởi những ý định nào không?

Những nốt nhạc cuối dằn mạnh kéo Quỳnh trở về với thực tại.  Cả hội trường bùng lên tiếng vỗ tay.  Hai anh em đứng dậy nghiêng người đáp lại khán giả.  Chưa hết.  Ban tổ chức ra lấy vô một chiếc ghế, lấy luôn cây đờn trong tay ông anh họ.   Quỳnh ngồi lại xuống ghế.  Ông anh họ vòng ra đứng phía sau.  Hai anh em chơi lại bản song tấu trên cùng cây đàn Quỳnh ôm trên tay.  Cả hội trường ồ lên.  Hơi trật nhịp, nhưng chẳng sao, và cũng chẳng ai để ý.

Bảy phút trình diễn trôi qua nhanh chóng.  Những tràng pháo tay kéo dài.  Nàng không xuống lại chỗ bạn bè, mà bước ra ngoài theo lối cửa hậu, đi men theo dãy hành lang mênh mông bao có hàng cột lừng lững để trơ mặt bê tông thô ráp bao bọc khu giảng đường, rồi bước xuống khoảnh sân các tàng lá đại thụ che kín, hướng về dãy hành lang ngập nắng chiều nối giữa B4 và B6.

Nàng ngồi dựa vô một góc cột hành lang.  Nắng vàng rực làm ánh lên lớp rêu xanh phủ kín những thân cây to lớn sau mỗi mùa mưa.  Những chiếc lá cỡ móng tay rơi nhè nhẹ.  Đã tới mùa lá rụng ở Sài Gòn.

Ông anh họ tìm ra nàng ở đó, nói nhẹ nhàng: 'Thôi mình biến.'

No comments:

Post a Comment