Monday, December 5, 2011

Tình Hình Chung

Tình hình chung là tình trạng cả xã hội vật vã đối phó với chính sách kinh tế Giá-Lương-Tiền nhà nước đưa ra năm 1985.  Thực ra, chính sách này đã bắt đầu từ những năm đầu 80 trong hệ thống nhà nước sau khi khối Xã hội Chủ nghĩa nhận thấy không chịu đựng nỗi gánh nặng Việt Nam với nền kinh tế yếu kém và những cuộc chiến tranh liên miên, không viện trợ hàng hóa giá thấp hoặc cho không nữa, mà tính theo giá cả thị trường.  Dù cho có cố phá rừng phá biển hết mức và vét sạch ruộng đồng, dưới áp lực thu không đủ bù chi nền kinh tế cả nước, vốn bị ép theo mô hình miền Bắc trước ngày thống nhất,  càng lúc càng èo uột, và gần như thoi thóp.  Trong nền kinh tế xuất hiện ba loại giá: giá nhà nước ấn định; giá điều chỉnh; và giá thả nổi của thị trường.  Ba giá này xa nhau một trời một vực, không biết đâu mà lần, nói chi quản lý.  Lương lãnh ra coi như giỡn.  Hàng hóa thiết yếu thiếu trầm trọng.  Ăn độn, ăn đại, nói chung ăn bất cứ thứ gì chỉ để sống.  Đại lễ kỷ niệm mười năm thâu tóm giang sơn về một cõi đánh dấu một thời điểm hết sức thê thảm trong đời sống của toàn thể dân chúng.  Cuối 1985, đảng và nhà nước Cộng Sản thực hiện cuộc cải cách giá lương tiền trên quy mô toàn xã hội nhằm thực hiện cơ chế một giá, cân đối thu chi, giúp quốc doanh tự chủ tài chính, và người ăn lương nhà nước sống được.  Dân đen không hề là ưu tiên của chính sách này, nhưng lãnh đủ hết mọi hậu quả của nó.

Giá-Lương-Tiền bắt đầu bằng một cuộc đổi tiền làm chấn động xã hội.  Mỗi gia đình chỉ được phép đổi 1200 đồng tiền mới, tức 12000 ngàn đồng tiền cũ.  Sau một đêm, nhiều người thấy vốn liếng làm ăn của mình mất sạch.  Thay vì giải phóng sức sản xuất để bù đắp lượng hàng hóa thiếu hụt so với nhu cầu, khiến giá cả cân bằng, nhà nước lại đi hạn chế tiền tệ để chống lạm phát.  Tiền bạc khan hiếm trầm trọng. Chỉ có tiền chẵn, không có tiền lẽ.  Hàng hóa thiếu thốn kinh khủng, nên giá cả lại tăng cao.  Mỗi nơi mỗi giá khác nhau.  Lại tăng lương thêm.  Lại in thêm tiền.  Cả xã hội bị cuốn vô vòng xoáy đó.  Lạm phát vọt lên mức phi mã ba trăm bốn trăm phần trăm  ngay lập tức.  Dân chúng không tin ở tiền nhà nước in.  Vàng thống lĩnh mọi giao dịch và tình trạng hàng đổi hàng thực sự xảy ra.  Làm ăn không xong, buôn bán cũng chẳng đặng vì tình trạng ngăn sông cấm chợ nghiệt ngã.  Bốn trăm quận huyện biến thành bốn trăm pháo đài giữ chặt mọi loại hàng hóa trong phạm vi của mình để tự... cứu.  Các trạm kiểm soát hàng hóa mọc lên chi chit, chốt kín các con lộ ra vô Sài Gòn và các tỉnh.  Đời sống hoàn toàn bế tắc.

Những người trước đây ngần ngại xuất cảnh theo chương trình ra đi trong trật tự nay không còn lý do gì để trì hoãn nữa.  Giá lương tiền cùng với các chiến dịch mùa khô liên tiếp ở Kampuchea cũng khiến làn sóng vượt biên lên đỉnh điểm.  Các nước lân cận và Liên Hợp Quốc la trời.

Đảng Cộng Sản chợt nhận ra tình hình thực sự trầm trọng, phải tự cứu mình trước khi trời cứu.  Nền kinh tế kiệt quệ.  Con người cũng kiệt quệ.    Đất nước trên bờ vực sụp đổ.  Tình trạng vô chính phủ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.  Đại hội VI năm 1986 tìm được sự đồng thuận rộng lớn hơn để cải cách triệt để hơn theo hướng thị trường.  Nhưng phải đến bốn năm sau, sau nhiều biện pháp thử sai trên đầu trên cổ dân chúng, tình hình kinh tế mới dần dần ổn định trở lại.  Đến năm 1990, lạm phát hạ xuống mức hai con số.

Trong bối cảnh của những năm từ 1985 đến 1990 đó, đi học thực sự là một gánh nặng cho gia đình, bất kể là dân đen, công chức hay cán bộ cỡ nhỏ.  Chỉ có những người có đồ Mỹ và đô la, những kẻ được cung phụng là thấy sướng.  Cùng với tâm trạng chán chường, tâm trạng bực bội cứ lan dần vào mọi ngóc nghách của hệ thần kình, cứ chờ dịp là bùng nổ.  Bọn sinh viên chửi thề như giặc, chửi vì bất kỳ lý do gì.  Đứa hiền nhứt cũng bật miệng chửi: 'Mẹ kiếp!'

No comments:

Post a Comment