Saturday, March 5, 2011

Học Hành

"Hồi đó có học hành gì không mà bày đặt đi mua sách vậy?" Quỳnh giỡn.  Tôi cười trừ.


Hồi đó chả đứa nào chịu học hành gì hết.  Kéo nhau đi mua sách vì nghe nói trong sách có nhiều ví dụ, coi theo đó làm bài tập khỏi mất công suy nghĩ mệt óc.  Biết đâu lại còn trúng tủ khi kiểm tra hoặc khi thi học kỳ nữa.  Thầy cũng làm biếng như trò, cũng mở mấy bộ sách quen thuộc bốc đại mấy bài ra cho học trò thi mà thôi.  Mỗi môn thi chỉ cần 5/10 điểm là coi như xong nợ.


Kỳ thi Đại Học đã vắt kiệt cả đám.


Mùa học đầu tiên, tụi tôi phát hiện ra mình phải học lại nhiều điều đã học hồi luyện thi đại học, nhất là các môn Toán, Lý, Hóa.  Hải phệ la lên: "Dẹp! Học làm gì nữa cho mệt."  Vậy là cả mùa đầu, cả đám thi nhau xả hơi.  Từ mùa thứ hai trở đi mới tạm gọi là chịu học chút chút cho khỏi hổ danh.  Nhưng học với nỗi chán chường và cơn giận ngấm ngầm.


Đại học trở thành chỗ để trả công cho xương máu và mồ hôi đổ ra của phe cộng sản trong cuộc nội chiến, nên con đường vô đại học của con dân không cộng sản ở miền Nam càng lúc càng chông gai.  Kỳ thi Đại học trở thành công cụ để chính quyền loại bỏ những thành phần không được ưa thích ra khỏi môi trường đại học.  Thí sinh được phân ra bốn diện.  Diện một là con liệt sĩ và bộ đội phục viên.  Diện hai là con cái cán bộ.  Diện ba là con dân thường.  Diện bốn là con "ngụy" và "phản động."  Mỗi diện lại có nhiều đối tượng.  Tổng cộng mười ba đối tượng.  Hai diện đầu chiếm đến chín đối tượng.  Con dân thường được ba đối tượng.  Hai đối tượng cuối dành cho con "ngụy" và "phản động."  Đơn thi đại học là một bản khai lý lịch dài ba đời với đủ thứ chi tiết.


Chia diện để phân biệt đối xử.  Diện một chỉ cần chín mười điểm, tổng cộng điểm của ba môn thi, là đậu.  Diện hai cần khoảng mười bốn mưòi lăm điểm là đậu.  Diện ba cần khoảng hăm mốt hăm hai điểm mới đậu.  Diện bốn cần khoảng hăm ba hăm bốn điểm trở lên mới đậu được.  Điểm đậu lên xuống mỗi năm.  Năm nào thí sinh diện ba diện bốn giải đề ngon lành là điểm đậu dành cho diện ba diện bốn lên cao theo.  Điểm đậu cho diện bốn lên đến kỷ lục vào mùa thi 1985.  Năm đó để vô được trường Y, thí sinh diện bốn phải đạt 28/30 điểm, coi như bị cấm cửa.


Bộ Giáo Dục chia các trường đại học ở miền Nam ra làm ba khối từ dễ tới khó và ra ba bộ đề xếp hạng 1, 2, 3.  Thí sinh Bách Khoa thi đề A1.  Dường như có một cuộc chạy đua giữa học trò và những nhóm ra đề của Bộ Giáo Dục.  Đề càng lúc càng khó hơn.  Để đạt năm điểm cho mỗi môn thi không khó.  Nhưng cho năm điểm còn lại thì khó vô cùng.  Nhiều lúc những khái niệm Toán Lý Hóa cao cấp trong đại học cũng được đưa vô đề thi.  Một ông thầy la trời với đám học trò thân thiết:  "Trước năm bảy lăm, đề thi đại học dưới sức học trò.  Đề chỉ dài, học trò ráng làm cho kịp giờ là đạt.  Giờ thì đề trên sức học trò quá xá.  Tụi mày bị triệt rồi!"  Với sự giúp sức của thầy, đề khó cỡ nào cũng có nhiều đứa học trò giải được.  Các ông thầy cũng vắt óc suy nghĩ, đoán hướng ra đề mỗi năm để luyện cho học trò.  Khi Bộ Giáo Dục thấy đề khó không đè bẹp được học trò, nó bắt đầu cho ra đề mánh, tìm mọi cách đễ giăng bẫy thí sinh.  Nhiều khi phải đợi đến lúc chấm điểm xong, có đáp án mới hiểu ý của mánh là gì.  Cuộc đấu trí giữa thầy trò và Bộ Giáo Dục trong kỳ thi đại học càng gay go hơn nữa.  Đến ngày thi, thầy cô chúc trò may mắn với vẻ ngậm ngùi.  Cha mẹ dẫn con đi thi mà lòng nặng trĩu.  Học là phải học hết mình rồi, nhưng đến nước này đành phải phó thác vô hên xui may rủi.


Vậy mà học trò vẫn làm bài được, và điểm đậu vẫn cao ngất trời.  Tụi tôi hay giỡn với nhau: "Hay không bằng hên!"  Nhưng cũng phải công nhận có một chút xuất thần trong đó nữa.  Cái xuất thần của tuổi trẻ trong sáng khi bị dồn tới đường cùng.


Cuối cùng, tụi tôi bước vô đại học lòng không một chút hứng thú.  Và buồn.  Nhiều bạn bè rất giỏi, nhưng không gặp may, không đặt chân được vô đại học.  Nếu không chạy chọt vô làm công nhân viên chức được và tìm cách thi lại hoặc vượt biên lọt, chiến trường K và các công trường, nông trường, lâm trường luôn luôn rộng chỗ.  Nếu chịu sống chui sống nhũi, thì trốn hết mấy cái nghĩa vụ đó và ra chợ trời.  Cha mẹ làm hết sức để giành giật lại con cái khỏi tay chính quyền.


Năm 1989, với một thông báo ngắn gọn trên báo, chính sách kỳ thị này lẳng lặng chấm dứt.

No comments:

Post a Comment