Sunday, October 30, 2011

Trông lên (I)

Bách Khoa nguyên là Học viện Kỹ thuật Phú Thọ cũ, gọi tắt là Phú Thọ.  Ngôi trường tọa lạc trên một khu đất mười hai mẫu tây.  Kiến trúc đơn giản và khiêm tốn, phản ánh điều kiện của một nước nghèo.  Nhưng quanh cảnh không vì thế mà thiếu sự đàng hoàng, tươm tất và trang nghiêm của môi trường học vấn.  Nhìn chung, Phú Thọ là một cố gắng đáng kể trong phát triển giáo dục cấp cao ở miền Nam Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt.  Thời hậu chiến, quang cảnh trường sa sút nhiều, nhưng nhìn vẫn còn ra vẻ lắm.

Khi chúng tôi nhập học, nhân sự cũ không còn nhiều nữa.  Những người được gọi là cũ thường là những người trẻ sáng láng học trong những khóa cuối của Phú Thọ và được giữ lại trường để đào tạo tiếp và giảng dạy.

Thầy Toản là một người trong số đó.  Nghe nói ông từng là thủ khoa, và ra trường đúng ngay thời điểm cuộc nội chiến kết thúc.  Tương lai sụp đổ và bị phân biệt đối xử, nên ông hoàn toàn thất vọng, và theo thời gian thì trở nên bệ rạc.  Và từ bệ rạc đi đến hoàn toàn mất tư cách.  Ông vô lớp giảng bài lè nhè, quần áo dơ bẩn, không buồn ngó mặt học sinh.  Đứa nào muốn học thì học, không thì thôi.  Lúc làm đồ án, cần hỏi gì thì bọn tôi đi kiếm ông ở quán bia hơi gần trường.  Tự hủy hoại nên sau này ông chết sớm.  Cũng may là ông không bị khùng như cái ông tiến sĩ mà mỗi sáng bọn tôi hay gặp đứng điều khiển giao thông khi đi học.  Đôi khi tụi tôi thắc mắc sao ông không nghĩ quách cho rồi, ra ngòai đi làm sống qua ngày hơn là làm Chí Phèo trong trường.

Những người khác nhìn cũng có vẻ chán nản, trầm mặc, hoặc buồn bã, nhưng nhìn chung vẫn ráng giữ tư cách.  Sau này, khi chủ nghĩa Cộng Sản chỉ còn là cái vỏ và bang giao quốc tế mở rộng, nhiều người trong số này kiếm được suất du học ở Học Viện Kỹ Thuật Á Châu - AIT, và lấy cái bằng tiến sĩ ở cái tuổi không còn trẻ nữa, nhưng vẫn còn đủ sáng láng để kiếm được những chân giảng dạy và nghiên cứu ở các đại học các quốc gia lân cận, thỏa được ước mơ của mình.

Thầy Tòng là một trong số những người hiếm hoi từ ngoại quốc trở về sau năm 1975.  Ở thầy vừa có cái vẻ đáng mến rất thu hút người khác, vừa có cái vẻ chững chạc khiến người ta nể trọng.  Thầy dạy hay, viết sách có giá trị, và nghiên cứu rất giỏi trong điều kiện khó khăn đến tưởng như bó tay của thời hậu chiến và cấm vận.  Năm 1990, khi bộ Giáo Dục thử nghiệm bầu cử hiệu trưởng ở các trường thí điểm, thầy ra ứng cử Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa trong tư cách ứng viên độc lập và nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ các giảng viên bất kể gốc gác.  Khi nhận thấy thầy Tòng sẽ đắc cử, trường hoảng quá ra quyết định nhân viên khối hành chính, và các bí thư chi đoàn khoa cũng được quyền bỏ phiếu, và trong bóng tối thì bảo phải bầu cho ai.  Thầy Tòng thất cử trong gang tấc.  Một bầu không khí chán nản lại bao trùm khắp trường.

Thất bại ở trường, thầy Tòng có một số cố gắng nữa trong ra ứng cử Hội đồng Nhân dân quận nhà cũng trong tư cách ứng viên độc lập trong khuôn khổ của Mặt Trận Tổ Quốc, nhưng đều bị chận.  Đôi khi bọn tôi thắc mắc không biết khi về già thầy sẽ nghĩ gì và viết gì về lý tưởng của mình nhưng hình như thầy hoàn toàn im lặng.

Sau khi hiệu trưởng mới được bầu lên, nhiều giải pháp tháo gỡ cho tài chính của trường và tăng lương bổng cho giảng viên và nhân viên được đưa ra.  Một trong số đó, là đập bỏ hàng rào kín cổng cao tường ngày trước, xây hai trăm ki ốt bao kín mặt tiền hai con đường Lý Thường Kiệt và Tô Hiến Thành, giao cho giảng viên và nhân viên làm ăn hoặc cho mướn lại, nộp "ngân sách" cho trường. Tinh thần thời đại mới là từ bỏ tháp ngà xông ra chợ.  Nhu cầu thực thì canh cánh mỗi ngày mà đạo thì quá xa vời, nên hơn mười lăm năm sau hàng rào ki ốt bao quanh trường vẫn còn đó, người buôn kẻ bán tấp nập.  Đất nước đã thay da đổi thịt nhờ tiếp cận được sinh lộ kinh tế thị trường và nguồn đầu tư ngoại quốc.  Sinh viên bây giờ đi học phải đóng đủ thứ tiền, phải bỏ áo trong quần, mang giầy, len qua chợ để vô trường.  Đứa nào lạng quạng bận quần sọt đi học là bị bảo vệ đuổi ra liền.  So với đám lôm côm hồi trước, bảnh chịu không nổi.  Còn trường thì... nhìn lôm côm không chịu nỗi.

No comments:

Post a Comment