Saturday, October 29, 2011

Tuấn

"Nhớ Tuấn không?", tôi hỏi.  "Tuấn nào?", Quỳnh hỏi lại.  "Tuấn dạy chính trị đó."  "Hi hi! Cái nhân vật đặc biệt đó, nhắc lại là nhớ liền."

Tụi tôi gặp Tuấn ngay mùa đầu tiên của năm nhất.  Tuấn dạy môn Lịch Sử Đảng, nhìn trẻ trung, đẹp trai.  Tuấn tự giới thiệu: "Tôi nguyên là kỹ sư cơ khí, tốt nghiệp đại học Bách Khoa Hà Nội.  Nhưng triết học Mác Lê Nin mới là nguồn cảm hứng và niềm say mê mà tôi nguyện hiến trọn đời theo đuổi.  Đây là môn đầu tiên chúng ta gặp gỡ nhau.  Chúng ta sẽ còn gặp gỡ nhau nhiều dịp nữa sau này."  Tụi tôi quay lại nhìn nhau cười: "Tay này chắc dỡ quá, chẳng học hành được gì, biết gì đâu mà đòi làm kỹ sư cơ khí, mới chọn theo cái nghành wải độ này."  Rồi lẳng lặng rủ nhau biến.  Thoáng chốc, trong giảng đường chỉ còn một nữa.

Từ đó về sau, Tuấn chơi trò điểm danh.  Lúc thì đầu giờ, lúc thì cuối giờ.  Nhưng sinh viên canh sẳn, nên lúc điểm danh không bao giờ thiếu.  Tuy vậy, giảng đường nhìn vẫn trống trơn.  Đến khi thi học kỳ, một nữa lớp bị cho rớt, không cần biết có làm trúng hay không.  Tuấn có tài nhớ mặt.  Thi lại, vẫn một nữa của số đó rớt tiếp.  Đứa nào chịu đi năn nỉ thì được cho qua.  Mấy đứa khác mặc kệ.  Trường coi như bỏ nếu nợ sáu đơn vị trở xuống khi ra trường.  Môn này chỉ có ba.

Tụi tôi gặp lại Tuấn trong môn Triết Học Mác Lê Nin.  Môn này bốn đơn vị, nên sinh viên có mặt đầy đủ.  Tuấn khoái chỉ, giảng thao thao bất tuyệt.  Tuấn diễn như kịch trên bục giảng, bước qua bước lại, tay thọc túi quần, mắt ngước lên, vẻ đăm chiêu, thỉnh thoảng rút một thẻ ghi chú gì đó ra liếc vô.  Mỗi lần như vậy, tụi tôi nhìn nhau cười: "Bùa đó!"  "Hồi đi học, bùa cóp py của Tuấn đó!"  Tuấn nghe được tức lắm, nhưng ra vẻ không chấp, cho qua.

Một bữa, liên hệ đến thời sự, Tuấn vừa đọc xong câu nói của Ri Gân: "Chủ nghĩa Cộng Sản là quái thai của thời đại." để chuẩn bị lên án, thì lập tức dưới giảng đường vọng lên: "Đúng!"  Tuấn biến sắc, mắt lom lom nhìn xuống giảng đường tối om, lồng lộn bước qua bước lại, cuối cùng bật ra: "Đồ chó con!"

Cuối mùa một nữa lớp rớt.

Khi bọn tôi ra trường vào mùa hè 1991, nhiều đứa phải thi lại môn này, đều được cho qua.  Đông Âu và Liên Xô đã và đang trải qua những biến động ngoạn mục.

Những môn chính trị còn lại, bọn tôi học với những người khác, đều qua yên thắm.  Dạy và học chỉ là thủ tục.  Ngoài ra còn một đợt học chính trị trong mùa quân sự cuối cùng nữa.  Người giảng là trưởng khoa Quân sự, một viên sĩ quan khắc khổ.  Dăm ba đứa bị đuổi ra khỏi lớp vì tỏ thái độ hờ hững quá lộ liễu.  Rồi cũng qua.

Bọn tôi vẫn còn nhiều dịp nhắc tới Tuấn sau này.

Ra trưòng, trời dun rủi sao Khánh lại làm việc chung với cô em gái của Tuấn.  Cô này tính tình rất dễ thương, và chửi ông anh mình quá trời.  Nhờ vậy tụi tôi lại biết được đời tư của Tuấn.  Nhà Tuấn từ miền Bắc vào, gốc gác ra sao không rõ.  Tuấn là con trai lớn và tiếng là cán bộ giảng dạy nhưng chỉ báo hại mẹ.  Nhà có được mặt tiền, nên mẹ mở tiệm cà phê.  Tuấn chẳng mang về được đồng bạc nào, đã vậy sáng sáng còn thụt két mẹ, kiếm chút tiền đi ăn sáng, cà phê cà pháo rồi mới đến trường.  Mẹ Tuấn đem một đứa con gái bà con xa ngoài Bắc vô để phụ giúp việc buôn bán.  Tuấn thậm thọt bậy, khiến cô bé có bầu, phải phá và gởi về Bắc lại, khiến cả nhà mang tiếng.

Một lần khác, có mấy đứa cùng nhau ra Sài Gòn, lại gặp Tuấn đi chung với một cô gái.  Tụi nó thọt nhau cười.  Tuấn nhận ra học trò cũ, cứ dẫn cô gái lượn ra lượn lại trước mặt tụi nó, hy vọng sẽ được chào.  Nhưng cả đám làm lơ.

"Hết nợ nần rồi!", Quỳnh cười.

2 comments: