Wednesday, November 2, 2011

Trông Lên (II)

Tới tận cuối năm thứ tư, tụi tôi mới có cơ hội học với thầy Hoàn.  Tóc thầy đã bạc trắng, nhưng mặt thì không thấy già lắm.  Thầy là một trong những tiến sĩ đầu tiên trong chuyên ngành của mình ở miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa.  Nghe nói thầy làm nghiên cứu khoa học khá lâu ở Hungary trước khi về nước.  Thầy có đôi mắt buồn và nói giọng Hà Nội nhẹ nhàng.  Thầy tỏ ra rất khiêm tốn và trầm lặng, hầu như chẳng nói gì về bản thân mình.  Nếu không nghe các thầy khác nói thì bọn tôi cũng chẳng biết được thầy là một chuyên viên đầu đàn trong lĩnh vực của mình ở Việt Nam.  Nếu không lên lớp giảng, thì thầy cặm cụi suốt ngày trong phòng thí nghiệm hoặc trong văn phòng.  Bọn tôi nể và mến thầy vì lượng kiến thức dồi dào mà thầy cung cấp cho sinh viên.  Đồ án môn học của thầy là đồ án hào hứng nhất bọn tôi có được ở trường.  Bọn tôi được tự do lựa chọn đề tài.  Kiến thức là từ cách ta học chứ không phải cách ta kiếm điểm.  Thầy là người trí thức làm tròn trách nhiệm của mình.

Thầy Đảo thích nói chuyện thời sự hơn thích dạy.  Thầy từ Ba Lan về.  Nói chuyện với thầy bọn tôi cảm nhận được một dòng suy nghĩ khác đang chảy ngấm ngầm trong các giai tầng chính thống.  Có lẽ thầy cũng sợ vạ miệng, nên chỉ dám nói xa hơn một bước so với cái công cuộc cải tổ và đổi mới ngập ngừng đang được tiến hành.  Thầy trò hay nói với nhau về những chuyện nhỏ đáng làm nhưng vẫn không làm được.  Nghe mà thấy đất nước sao mù mịt quá.

Thầy Chính thì thích nói về bản thân mình.  Thầy tự tuyên bố trong lãnh vực thiết kế cao ốc, chẳng ai qua được thầy.  Nghe thầy nói suốt hai mùa liên tiếp thì bọn tôi hiểu ra.  Có lẽ thầy tự ti vì "nổi tiếng" dị đó mà chẳng có thiết kế hoặc công trình để đời nào mang ra khoe được nên phải tự tôn mình lên để bù lại.  Cô Thúy nói hồi học ở Liên Xô, thầy học về kết cấu gạch đá chớ không phải bê tông.  Khi Imexco bị đốt cháy, thầy đứng trước lớp tuyên bố nếu họ không mời thầy thì ở Sài Gòn này chẳng còn ai đủ sức để sửa lại tòa cao ốc đó.  Công ty chủ quản không mời thầy mà mời Đài Loan qua sửa.

Thầy Chính khoe mình có bộ sách gốc của Corbusier, một tác giả danh giá người Pháp đặt nền móng cho những lý thuyết căn bản của kết cấu bê tông.  Tụi tôi giỡn với nhau chắc thầy chôm sách ở thư viện khoa quá.  Trường Phú Thọ có một truyền thống hay là các thầy cô nếu có cơ hội đi ngoại quốc thì ráng mang về những sách báo có giá trị góp vô thư viện riêng của mỗi phân khoa Đại học để mọi người cùng có cơ hội tham khảo những kiến thức mới.  Sau năm 75, sách trong các thư viện nhỏ đó cứ mất lần lần.  Ông thư ký già nói mấy thầy cứ mượn sách về đọc mà chẳng ông nào chịu trả.  Đến thời tụi tôi vô học thì chỉ còn những tủ kính trống trơn.

Thầy Hân dạy Toán Cao Cấp mà cứ móc chuyện dạy kèm luyện thi đại học vô.  Thầy khoe chưa có học trò nào của thầy thi đại học rớt.  Thầy chỉ luyện học trò thi đề A1 mà thôi và học trò phải được thầy lựa chớ không phải ai muốn học cũng được.  Thầy lấy trọn gói hai cây, thi rớt thì thầy trả lại.  Nghe riết thấy bực, nhất là khi tụi tôi đã phải chiến đấu cật lực để qua cái ải đó.  Hải phệ hả họng ngáp bị thầy đuổi ra khỏi lớp.  Có đứa chửi đổng bộ ế hàng hay sao mà phải vô lớp Sơn Đông mãi võ.  Có đứa kháy đã lựa học trò giỏi mà luyện rồi thì có gì hay ho đâu mà gáy.  Có đứa đòi phá chiếc cúp Nữ Hoàng đỏ chói của thầy cho bỏ ghét.  Chiếc cúp nhìn cũng láng và bảnh chọe y như thầy vậy.  Bực thì nói vậy thôi, chứ hơi đâu làm cho mệt.

Năm cuối cùng ở trường, tin thầy Huyên đạo mạo bị kỷ luật nội bộ vì cái tội ... dê lọt tới tai sinh viên.  Hai vợ chồng thầy Huyên và hai vợ chồng thầy Học cùng dạy chung một khoa.  Vợ chồng thầy Huyên đã ở tuổi sồn sồn.  Vợ chồng thầy Học còn trẻ.  Vợ thầy Huyên và thầy Học có được suất du học bên Nga.  Ở nhà thầy Huyên dê vợ thầy Học.  Vợ thầy Học chịu không nỗi, báo cáo lên.  Chuyện nhiều người biết nên dễ lộ.  Nghe xong chỉ biết lắc đầu cười.  Tụi tôi chán trường lắm rồi.  Chỉ muốn dứt nợ, chui ra cho rồi, hơi đâu để ý nữa.

No comments:

Post a Comment